Tọa đàm "Tiếp tục đổi mới cơ chế chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông thôn, miền núi"

02:48 AM 23/01/2013 |   Lượt xem: 748 |   In bài viết | 

Tham dự tọa đàm có gần 100 đại biểu là lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ  (KH và CN) các tỉnh trong cả nước, đại diện lãnh đạo các vụ chức năng của Bộ KH và CN, các ban nghiệp vụ của Báo Nhân Dân. Các đồng chí Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ KH và CN; Tô Vương, Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân đồng chủ trì tọa đàm.

 

Phát biểu ý kiến khai mạc tọa đàm, đồng chí Tô Vương, Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân  nêu rõ: "Ðất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Xuất phát từ nước nghèo, kém phát triển, để đạt được mục tiêu nói trên, đòi hỏi sự cố gắng vượt bậc của các cấp, các ngành trong đó có ngành khoa học và công nghệ. Hiện nay, nước ta có hơn 74,6% số  dân sống ở nông thôn. Trong đó có hàng chục triệu nông dân sống ở vùng nông thôn, miền núi, nơi còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp hơn so với các khu vực khác.

 

Nghị quyết lần thứ năm Ban chấp hành T.Ư Ðảng khóa IX, về đẩy nhanh CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010, đã chỉ rõ: "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh:

 

"Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực cho phát triển KH và CN. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng, nâng cao đồng bộ tiềm lực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng và triển khai; coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH và CN.

 

Bám sát hoạt động chuyển giao tiến bộ KH và CN về nông thôn, miền núi, trong nhiều năm qua, Báo Nhân Dân đã có nhiều bài viết tập trung phân tích cơ chế chính sách, mô hình chuyển giao tiến bộ KH và CN thông qua việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi (Bộ KH và CN). Trên Báo Nhân Dân hằng ngày, từ năm 1998 đến năm 2006,  đã đăng hơn 300 bài báo viết về nội dung chuyển giao tiến bộ KH và CN về nông thôn, miền núi trên các trang của Ban Khoa giáo, Nông nghiệp, Kinh tế. Tính đến thời điểm hiện nay, có tổng cộng hơn 600 bài viết chuyển giao tiến bộ KH và CN về nông thôn, miền núi đăng trên tất cả các ấn phẩm, tập trung phản ánh năm nội dung:  Sự tham gia của chính quyền các cấp, các hội, các đoàn thể; sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu khoa học; nông dân, đối tượng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật; vốn đầu tư cho việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; chế biến và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.

 

Có thể nói, "Tiếp tục đổi mới cơ chế chuyển giao tiến bộ KH và CN về nông thôn, miền núi" bản thân chủ đề này đã là nguồn đề tài phong phú, sinh động cho Báo Nhân Dân khai thác.  Ðó là đổi mới phương thức truyền thông về KH và CN; là đổi mới hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư sao cho thiết thực hiệu quả; là định hướng và giải pháp ứng dụng chuyển giao tiến bộ sinh học, giải quyết vấn đề giống cây, con; là giải pháp thâm canh, phòng trừ dịch bệnh cho sản  xuất hàng hóa tại các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; là đầu tư mạnh cho tổ chức, cá nhân ứng dụng KH và CN để tạo ra đột phá trong khả năng cạnh tranh của hàng hóa, phát triển thị trường công nghệ;  là đưa hàm lượng KH và CN vào sản phẩm, góp phần bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm địa phương...

 

Vì lẽ đó,  Báo Nhân Dân, Bộ KH và CN phối hợp tổ chức Tọa đàm: "Tiếp tục đổi mới cơ chế chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông thôn, miền núi". Ðây là cuộc tọa đàm mở đầu cho đợt tuyên truyền trọng tâm những nhiệm vụ mà Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI đã đề ra về KH và CN trên Báo Nhân Dân hằng ngày và các ấn phẩm khác của Báo Nhân Dân.

 

Trong khuôn khổ một cuộc tọa đàm, báo Nhân Dân hy vọng sẽ tập hợp ý kiến của các nhà quản lý ở trung ương, các nhà KH và CN, cán bộ quản lý và người dân ở địa phương nơi tiếp nhận các tiến bộ KH và CN được chuyển giao theo ba cụm vấn đề chính:  Chủ dự án chuyển giao tiến bộ KH và CN; lựa chọn công nghệ và đơn vị chuyển giao công nghệ; huy động các nguồn lực tham gia thực hiện các dự án thuộc Chương trình.

 

Từ Tọa đàm này, Bộ KH và CN sẽ tiếp thu, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm đổi mới hơn nữa cách thức chuyển giao tiến bộ KH và CN về nông thôn và miền núi".

 

Phát biểu ý kiến mở đầu tọa đàm, TS Bùi Mạnh Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ KH và CN, đã đưa ra thông tin tổng quát về những kết quả đạt được của chương trình. Từ năm 1998-2010, chương trình đã triển khai 533 dự án trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố. Thông qua việc triển khai các dự án, chương trình đã huy động được hơn hai nghìn lượt cán bộ khoa học từ 80 tổ chức KH và CN của trung ương và địa phương trong cả nước về phục vụ tại địa bàn nông thôn và miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đã xây dựng được hơn một nghìn mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đã đào tạo được gần 2.500 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn công nghệ cho hơn 50 nghìn lượt nông dân. Kinh phí thực hiện chương trình của cả hai giai đoạn này là khoảng 1.056 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp KH và CN trung ương chiếm 40%, huy động từ người dân, doanh nghiệp và ngân sách địa phương chiếm 60%.

 

Từ năm 2011 đến nay, chương trình đã phê duyệt 278 dự án, triển khai thực hiện trên địa bàn 60 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí là 1.300 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách trung ương chiếm 45%, huy động từ người dân, doanh nghiệp và ngân sách địa phương chiếm 55%. Dự kiến sẽ huy động được khoảng 600 lượt cán bộ khoa học từ 86 tổ chức KH và CN của trung ương và địa phương về phục vụ tại địa bàn nông thôn, miền núi. Dự kiến xây dựng được 870 mô hình, đào tạo khoảng 2.650 kỹ thuật viên và tập huấn cho 61.500 lượt nông dân.

 

Nội dung các dự án thuộc chương trình đã giúp địa phương tiếp nhận làm chủ và phát triển công nghệ để giải quyết các vấn đề về: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác tại địa phương; phát triển một số sản phẩm lợi thế của Việt Nam như cây ăn quả có múi, hoa cao cấp, chăn nuôi gia súc gia cầm theo hướng công nghiệp, phát triển cây công nghiệp, dược liệu; sản xuất giống và nuôi trồng thủy hải sản; tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp để sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; sản xuất rau an toàn; phát triển các ngành nghề tiểu thủ công, chế biến nông lâm thủy sản; cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường; cung cấp thông tin KH và CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Từ góc độ ở địa phương, thực hiện các dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Cao Thị Hải đã đưa ra những đánh giá cụ thể: Từ năm 2004 đến nay, được sự quan tâm của Bộ KH và CN, Thái Bình đã triển khai thực hiện bảy dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi, với tổng kinh phí hơn 61 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH và CN trung ương gần 14 tỷ đồng. 

Có thể khẳng định rằng, các dự án trong Chương trình Nông thôn, miền núi đã được thực hiện rất thành công ở Thái Bình. Chương trình từng bước thực hiện CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn; góp phần tích cực vào việc thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đưa nhiều giống cây, giống con mới có năng suất, chất lượng cao vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới - một chương trình đang rất thành công ở Thái Bình.

 

Lựa chọn cơ quan chủ trì thực hiện dự án

 

Từ năm 1998 đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện 14 dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi. Kết quả bước đầu thực hiện dự án đã góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong thời gian qua, rút ngắn khoảng cách về kinh tế - xã hội và trình độ dân trí của người dân vùng nông thôn tỉnh Bạc Liêu. Ðánh giá năng lực của cơ quan chủ trì dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu TS Vũ Văn Họa cho rằng: Thời gian triển khai của một số dự án còn chậm và chưa đạt được đầy đủ các mục tiêu, nội dung đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là: năng lực của đơn vị chủ trì và đơn vị chuyển giao còn bất cập, quá trình chọn lựa hộ dân thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do việc hộ dân thiếu nguồn vốn; việc xin thuê đất thực hiện dự án kéo dài bởi thủ tục hành chính cũng như việc đấu thầu mua sắm thiết bị; điều kiện  khách quan do thời tiết, một số dự án nông nghiệp dễ bị rủi ro (nắng hạn làm vùng trồng màu thiếu nước, mưa bất thường ảnh hưởng sản lượng muối...).

 

Từ thực tiễn nói trên, TS Vũ Văn Họa nêu một số kiến nghị về việc lựa chọn đơn vị chủ trì dự án tại các địa phương. Ðối với các dự án có quy mô vừa và nhỏ diễn ra trên địa bàn huyện có trụ sở xa trung tâm tỉnh lỵ, nên lựa chọn UBND huyện làm đơn vị chủ trì, nhằm thuận lợi cho công tác kết hợp với các đơn vị trên địa bàn.

 

Ðối với các dự án có quy mô lớn (kể cả một số dự án có quy mô vừa và nhỏ diễn ra trên địa bàn huyện có trụ sở gần trung tâm tỉnh lỵ), nên lựa chọn sở KH và CN (hoặc các trung tâm trực thuộc sở KH và CN) làm đơn vị chủ trì; Ðối với một số dự án đặc thù, có sản phẩm cụ thể sản xuất tại doanh nghiệp thì giao cho các doanh nghiệp chủ trì thực hiện.

 

PGS, TS Lê Tất Khương, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ KH và CN) đã có những phân tích sâu sắc về vai trò của doanh nghiệp trong việc chủ trì thực hiện các dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi. PGS, TS Lê Tất Khương cho rằng: Lựa chọn đơn vị chủ trì dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi là công việc hết sức quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của dự án.

 

Ðể triển khai thành công, duy trì và nhân rộng dự án, đối với những dự án sản xuất nông nghiệp mang tính sản xuất hàng hóa, những dự án chuyển giao công nghệ có hàm lượng khoa học cao, dự án hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, của vùng hoặc của quốc gia, theo chúng tôi cần có những doanh nghiệp đủ điều kiện làm đơn vị chủ trì dự án, bởi vì doanh nghiệp có khả năng tổ chức, liên kết nông dân, có ưu thế về vốn, có khả năng đầu tư đổi mới công nghệ, có năng lực tiếp thu công nghệ, có khả năng tiếp cận thị trường.

 

Thạc sĩ Nguyễn Thế Ích, quyền Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn, miền núi đưa ra những nhận định khái quát về ưu điểm và hạn chế của các đơn vị làm chủ dự án: Trong thời gian qua, số đơn vị chủ trì tương đối đa dạng, tuy nhiên có thể chia ra hai nhóm đơn vị chủ trì là các đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp. Thông qua kết quả triển khai, mỗi loại hình đơn vị chủ trì đều có những thuận lợi là thực hiện các dự án mang tính chất xã hội cao, hỗ trợ người dân trực tiếp được hưởng lợi. Bên cạnh đó cũng gặp phải hạn chế khi thực hiện các dự án liên quan tổ chức sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sau khi kết thúc dự án, việc mở rộng quy mô sản xuất rất khó khăn. Việc huy động vốn tăng cường cho sản xuất cũng khó thực hiện. Sự linh hoạt trong quá trình mua và bán sản phẩm hàng hóa của các hộ nông dân không linh hoạt so với doanh nghiệp.

 

Ðồng tình với quan điểm về vai trò quan trọng của doanh nghiệp khi chủ trì các dự án chuyển giao tiến bộ KH và CN của PGS, TS Lê Tất Khương và nhiều ý kiến khác phát biểu tại Tọa đàm, Thạc sĩ Nguyễn Thế Ích cho rằng: Hầu hết các dự án do các doanh nghiệp chủ trì đều là loại dự án sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa và sau khi dự án kết thúc đều làm khá tốt việc mở rộng quy mô sản xuất, được thể hiện qua các mặt: Việc mở rộng quy mô sản xuất gắn liền với quyền lợi của doanh nghiệp, do vậy họ rất tích cực trong việc mở rộng quy mô dự án sau khi kết thúc. 

 

Lựa chọn công nghệ và đơn vị chuyển giao công nghệ

 

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả), trong thời gian 15 năm qua đã chuyển giao cho 19 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, đến Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh,... các giống hoa mới và quy trình kỹ thuật trồng, nhân giống hoa; đã đào tạo chuyên sâu 75 người, tập huấn kỹ thuật cho hơn 500 người, xây dựng 100 mô hình sản xuất hoa, cả các loại hoa thông dụng và hoa cao cấp.

 

Ðạt được những kết quả nói trên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm qua những lần chuyển giao công nghệ thành công cũng như không thành công. TS Ðặng Văn Ðông tổng kết: Muốn chuyển giao công nghệ thành công, đơn vị nghiên cứu cần chuyển giao công nghệ do chính mình nghiên cứu. Bởi chỉ có tác giả tạo ra công nghệ, mới hiểu sâu về công nghệ, nhất là những công nghệ khó hoặc đòi hỏi tính chuyên môn sâu, chuyên nghiệp. Những công nghệ này cần phải được thẩm định hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công nhận.  Mặt khác công nghệ chuyển giao phải phù hợp (hoặc điều chỉnh cho phù hợp) với địa phương, vùng miền và đối tượng tiếp nhận dự án. Có thể cơ quan khoa học nghiên cứu được rất nhiều bộ giống, quy trình công nghệ, nhưng không phải các sản phẩm đó đều có thể được chuyển giao mà phải tùy địa phương với các điều kiện sinh thái, tập quán canh tác, khả năng kinh tế, thị trường để lựa chọn chuyển giao, có như vậy hiệu quả mới cao và bền vững.

 

Ðề cập những hạn chế trong chuyển giao tiến bộ KH và CN về nông thôn, miền núi, TS Ðặng Văn Ðông đã dẫn chứng những quy định chưa phù hợp trong cơ chế, chính sách, "làm khó" cho cơ quan, cán bộ chuyển giao công nghệ. TS Ðặng Văn Ðông nêu thí dụ: Kinh phí hỗ trợ cho một quy trình công nghệ ở mức cao nhất: 30 triệu đồng/quy trình là không hợp lý. Với mức kinh phí này, nếu đi chuyển giao ở vùng xa, vùng núi khó khăn thì chỉ đủ tiền đi lại và các chi phí quản lý cho cơ quan chuyển giao công nghệ.  Cán bộ làm trực tiếp hầu như không có thù lao. Vì vậy, theo TS Ðặng Văn Ðông các cấp có thẩm quyền cần nâng mức hỗ trợ lên 50 triệu đồng/công nghệ, và nên quy định tỷ lệ kinh phí chuyển giao/tổng kinh phí do trung ương hỗ trợ đối với từng loại dự án, từng loại vùng miền, làm cơ sở cho các đơn vị khi xây dựng dự toán một cách hợp lý.

 

Ðồng quan điểm với TS Ðặng Văn Ðông về kinh nghiệm chọn công nghệ và những yêu cầu cần có của đơn vị chuyển giao công nghệ, TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH và CN Ðà Nẵng và Giám đốc Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới tỉnh Sơn La Phạm Ngọc Tuấn cho rằng:  Công nghệ lựa chọn phải thật sự gắn liền với công việc sản xuất và kinh doanh. Các nội dung chuyển giao phải thật sự giải quyết được các vấn đề  then chốt còn vướng mắc của thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Công nghệ lựa chọn phải được điều chỉnh phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, phù hợp với khả năng đầu tư.

 

Không phải tách riêng lẻ từng yếu tố ảnh hưởng tới kết quả thực hiện các dự án, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp) TS Lê Hồng Vinh đã phân tích mối quan hệ giữa cơ quan chuyển giao công nghệ, cơ quan chủ trì  thông qua việc thực hiện dự án phát triển nấm ăn và nấm dược liệu. Theo TS Lê Hồng Vinh, hai đơn vị nói trên phải cùng nhau điều tra, khảo sát, xây dựng nội dung dự án. Nhờ vậy dự án mới sát thực với điều kiện cụ thể về kinh tế, xã hội, tự nhiên của địa phương. Cơ quan chuyển giao công nghệ cử các chuyên gia có năng lực chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tế nằm vùng tại các điểm thực hiện dự án. Kết hợp với cơ quan chủ trì theo dõi, bám sát, tư vấn nhằm thực hiện đúng mục tiêu, nội dung và tiến độ của dự án.

 

Huy động các nguồn lực tham gia thực hiện các dự án thuộc chương trình

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng (Nam Ðịnh)  Trần Ðức Vượng cho rằng: Khi triển khai dự án, mặc dù cơ quan chủ trì là Trung tâm Dạy nghề công lập huyện, nhưng Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Nghĩa Hưng ban hành nghị quyết, phân công cấp ủy chỉ đạo. Các chi bộ, Ðảng bộ trực tiếp thực hiện dự án đều ban hành các văn bản và tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

 

Mỗi dự án căn cứ vào mục tiêu, nội dung đều phải có các nhu cầu về mặt bằng, đất đai, nhà xưởng, địa bàn sản xuất và vốn đối ứng của địa phương... Vì vậy UBND huyện phải ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tại địa phương để triển khai, thực hiện dự án và sau khi dự án kết thúc. Thực hiện dự án đã khó, nhưng duy trì, nhân rộng sau khi dự án kết thúc càng khó khăn hơn, nếu không có cơ chế khuyến khích thì không thể nhân rộng được.

 

Hỗ trợ nguồn lực để tiếp thu đầy đủ kỹ thuật, công nghệ đối với người lao động ở nông thôn, trên diện rộng là hết sức khó khăn. Vì vậy quá trình thực hiện các dự án là quá trình tập huấn, chuyển giao kỹ thuật bằng các hình thức: Với đội ngũ cán bộ kỹ thuật của huyện phải tập huấn nắm vững và chủ động toàn bộ các tiến bộ, quy trình kỹ thuật, công nghệ theo yêu cầu của dự án. Với các hộ nông dân nông thôn, tổ chức hình thức "trực tiếp cầm tay chỉ việc" làm đến đâu thực hành đến đó. Tập huấn cho cả những người trực tiếp tham gia dự án và những hộ không trực tiếp tham gia dự án nhằm mở rộng sau khi kết thúc dự án. Với hình thức tập huấn như vậy, nhiều hộ nông dân tại huyện Nghĩa Hưng đã duy trì và phát triển nghề mới như: nghề trồng nấm, trồng đậu tương giống và sẽ mở rộng diện tích trồng đậu tương trên đất hai lúa.

 

Từ thực tiễn hoạt động chuyển giao tiến bộ KH và CN, TS Mai Nhữ Thắng đã đưa ra những tổng kết sinh động trong việc huy động các nguồn lực tham gia thực hiện các dự án thuộc chương trình của Sở KH và CN Thanh Hóa.

 

Có thể xem việc xây dựng cơ sở vật chất là phần cứng, việc huấn luyện chuyển giao kỹ thuật là phần mềm. Hai phần này có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Một số dự án trước đây chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng mà thiếu việc chuyển giao công nghệ, huấn luyện kỹ thuật làm cho cơ sở vật chất không phát huy được tác dụng. Kết quả khi hết dự án người dân lại quay lại du canh phá rừng làm rẫy.

 

TS Mai Nhữ Thắng cho rằng, một trong những bài học qua thực tế triển khai mang lại hiệu quả thiết thực là bài học dân chủ. Mọi công việc triển khai đều bàn bạc và phổ biến rộng rãi cho người dân biết, người dân tự đề xuất người tham gia vào các mô hình.

 

Nét nổi bật của các dự án nông thôn, miền núi triển khai ở Thanh Hóa là tất cả các khoản hỗ trợ đều đến trực tiếp người dân, không qua trung gian. Nhờ vậy mức hưởng lợi đến tay người dân nhiều nhất, do đó càng tăng sức thuyết phục của dự án đối với người dân khi tham gia.

 

Phó Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Quảng Ninh Trần Văn Quy mang đến tọa đàm thông tin vui: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang có rất nhiều doanh nghiệp mong muốn được tham gia và sẵn sàng dành nguồn lực của doanh nghiệp để tham gia thực hiện các dự án đầu tư KH và CN nói chung và các dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi nói riêng. Những năm trước đây, việc tìm kiếm các doanh nghiệp tham gia xây dựng triển khai các mô hình theo tiêu chí của Chương trình Nông thôn, miền núi là rất ít. Năm 2012, ngoài ba dự án đã được bộ phê duyệt từ năm 2011 để triển khai năm 2012, có chín dự án mới đã và đang được triển khai. Từ năm 2013 đến nay đã được Hội đồng KH và CN tỉnh xem xét báo cáo Bộ KH và CN cho triển khai 13 dự án. Thực tế các doanh nghiệp của Quảng Ninh tham gia chương trình này với kinh phí đối ứng từ 55% đến hơn 60% tổng kinh phí thực hiện dự án.

 

Tiếp tục minh chứng vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc huy động nguồn lực thực hiện dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi, Giám đốc Công ty Mây tre xuất khẩu Ngọc Ðộng (Hà Nam) Nguyễn Xuân Mai cho biết: Trên thực tế, các dự án của Chương trình Nông thôn, miền núi, vốn cấp từ địa phương và trung ương chỉ chiếm từ 30-50% trên tổng số vốn. Do vậy doanh nghiệp bắt buộc phải huy động vốn của mình tham gia vào chương trình.  Dự án xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại tỉnh Hà Nam, thời gian thực hiện từ tháng 4-2011 đến tháng 9-2013 với tổng thời gian là 30 tháng. Ðể thực hiện dự án này, công ty đã huy động vốn đối  ứng dự kiến trong ba năm là chín tỷ đồng trên tổng giá trị dự án là 13,5 tỷ đồng (chiếm hơn 66%).

 

Kết thúc Tọa đàm: "Tiếp tục đổi mới cơ chế chuyển giao tiến bộ KH và CN về nông thôn, miền núi", sau khi tập hợp 20 ý kiến phát biểu của các đại biểu, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải đã đưa ra những nhiệm vụ chính và  một số cơ chế để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình Nông thôn, miền núi giai đoạn ba và những năm tiếp theo.

 

Ðó là, những năm tiếp theo, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để hình thành các doanh nghiệp và tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế, tạo thương hiệu cho mỗi vùng. Tập trung huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho việc chuyển giao tiến bộ KH và CN vào nông thôn, miền núi.  Mô hình phải phù hợp với các điều kiện tự nhiên và quy hoạch phát triển kinh tế -  xã hội của địa phương. 

 

Cơ quan chuyển giao công nghệ phải là các đơn vị tạo ra công nghệ, có năng lực, có kinh nghiệm và lực lượng chuyển giao, biết phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc triển khai. Phải huy động được các nguồn lực tại chỗ  (nhân lực, vật lực, tài lực) vào việc xây dựng mô hình.  Mô hình chỉ có thể thành công khi có sự tham gia tích cực của nhân dân và chính quyền, đoàn thể ở địa phương, trong đó có các cấp ủy Ðảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...

 

Cán bộ quản lý các cấp của địa phương phải thật sự quan tâm và có trách nhiệm, phải coi đây là việc thử nghiệm xây dựng mô hình phát triển kinh tế nhằm cải thiện cuộc sống của chính họ.

 

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải định hướng cho các địa phương trong việc lựa chọn đơn vị chủ trì và đơn vị chuyển giao công nghệ:  Ðối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, giao chủ trì các dự án mang tính chất xã hội, hỗ trợ trực tiếp người dân được hưởng lợi, các dự án yêu cầu vốn đối ứng ít. Trường hợp các đơn vị này chủ trì thực hiện dự án sản xuất ra sản phẩm hàng hóa và yêu cầu có nguồn vốn đối ứng lớn thì triển khai theo các hướng sau: Kết hợp với các doanh nghiệp khác để triển khai. Hoặc sau khi thực hiện xong dự án, phải thành lập doanh nghiệp và chuyển giao tài sản, công nghệ, các điều kiện khác cho các doanh nghiệp tự hoạt động.

 

Ðối với các doanh nghiệp: Giao cho doanh nghiệp chủ trì các dự án sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa có quy mô lớn, khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu đến sơ chế, chế biến sâu và đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường. Các loại hình dự án yêu cầu có tổng số vốn đầu tư cao, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn lại là nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp.

 

Về lựa chọn hộ nông dân để tham gia xây dựng mô hình: phải chọn những hộ thật sự cầu thị, ham học hỏi cách làm ăn mới, có năng lực kinh tế đồng thời dự án phải hết sức quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ tiếp thu công nghệ của nông dân, nhất là hộ nghèo.

 

Mô hình nên vừa phải nhưng phải đủ lớn, mang tính điển hình thì mới có sức thuyết phục và mới có thể kết luận được. Mỗi dự án chỉ nên xây dựng 3-5 mô hình. Các mô hình dự án phải có hàm lượng KH và CN được chuyển giao bảo đảm chất lượng. Ðây là sự khác nhau giữa dự án xây dựng mô hình ứng dụng KH và CN với các dự án khuyến nông hoặc các dự án xóa đói, giảm nghèo, v.v.

 

Sự phối hợp giữa các cơ quan KH và CN ở trung ương, Sở KH và CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương ở địa bàn phải được thực hiện ngay trong quá trình xây dựng thuyết minh dự án để xác định nội dung cụ thể của dự án một cách sát thực và chính xác, bảo đảm cho việc triển khai thành công dự án.

(Theo Nhandan.com.vn [TT: NTH])