Hội thảo góp ý xây dựng chính sách cán bộ dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên

08:27 AM 20/05/2014 |   Lượt xem: 592 |   In bài viết | 

Dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Xuân, Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên; Lưu Văn Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương II - UBDT; Phan Hồng Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - UBDT; Y Miên K’Lơng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đăk Lăk và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, lãnh đạo các Phòng Nội vụ và lãnh đạo các Phòng dân tộc các huyện, thị xã, thành phố.

Theo báo cáo do đồng chí Nguyễn Kính, Phó Giám đốc Sở Nội vụ trình bày về tình hình thực hiện chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Đăk Lăk cho thấy, Đăk Lăk là tỉnh có tổng dân số gần 1,8 triệu người, chiếm 36,3% về dân số vùng Tây Nguyên. Cộng đồng dân cư của tỉnh gồm 44 dân tộc đang chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 72%, các DTTS tại chỗ như Ê đê, Jarai, M’Nông….chiếm 28% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương là 40.434 người, trong đó người DTTS là 5.339 người. Riêng cơ cấu tổ chức bộ máy làm việc của Ban Dân tộc là 27 người, trong đó có 13/27 người là DTTS, chiếm tỷ lệ 48%; CBCC của 15 phòng dân tộc là 73 người, trong đó có 35 công chức là người DTTS. Tổng số CBCC cấp huyện là người DTTS 251 người, trong đó nữ 93 người chiếm 37.1%, khối Đảng 48 người, chiếm 19.1%, khối Nhà nước 147 người, chiếm 58.6%, khối Mặt trận và các đoàn thể 56 người, chiếm 22.2%.




Đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đánh giá cao việc thực hiện chính sách cán bộ DTTS của tỉnh và khẳng định: Việc thực hiện cơ cấu tổ chức, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức các cấp theo theo Điều 11 Nghị định 05/2011/NĐ/CP cơ bản chúng ta chưa làm được, còn chung chung khó thực hiện, để có những quy định chung, những chính sách cụ thể đối với cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Bộ Nội vụ phối hợp với UBDT soạn thảo Thông tư liên tịch Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 11 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ, nhằm đẩy mạnh và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS biên chế tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước trong những năm tới tại khu vực Tây Nguyên nói riêng và phạm vi cả nước nói chung.

Đây là Thông tư liên tịch có tính chất đặc thù rất cao, liên quan đến các cấp, các ngành và các địa phương, do đó việc hoàn thành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 11 của Nghị định 05 là cơ sở để thực hiện tốt chính sách cán bộ DTTS ở Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề như: sự cần thiết phải xây dựng chính sách cán bộ DTTS khu vực Tây Nguyên; tỷ lệ CB,CC,VC là người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức các cấp theo tỷ lệ điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với thực trạng hiện nay; đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng, hệ thống chính sách cán bộ DTTS hiện nay để phát triển nguồn nhân lực là người DTTS đã phù hợp chưa, thực tế đạt tỷ lệ chưa? Tỷ lệ đã đưa ra trong dự thảo Thông tư liên tịch có cần tăng lên hay giảm?

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đồng chí Hoàng Quốc Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – viên chức, Bộ Nội vụ thông qua dự thảo Thông tư liên tịch Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 11 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ.

Qua Dự thảo, các đại biểu thể hiện sự nhất trí với việc cần thiết ban hành Thông tư liên tịch, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư liên tịch, các ý kiến tập trung góp ý cho các nội dung liên quan đến: tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức các cấp theo tỷ lệ dân số là người DTTS theo phân cấp địa giới hành chính tại địa phương đó. Địa phương có dưới 50% dân số là người DTTS thì tỷ lệ CB,CC,VC là người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ 20% tổng số biên chế trở lên; địa phương có từ 50% đến 70% dân số là người DTTS thì phải có từ 40% tổng số biên chế trở lên là người DTTS; địa phương có trên 70% dân số là người DTTS thì phải có từ 55% tổng số biên chế trở lên là người DTTS; đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị làm công tác dân tộc ở cấp Trung ương thì tỷ lệ CB,CC,VC là người DTTS tối thiểu là 40% (theo dự thảo là 20%) tổng số biên chế cơ quan, tổ chức, đơn vị; Ban Dân tộc ở cấp tỉnh và Phòng Dân tộc ở cấp huyện phải có tối thiểu là 50% tổng số biên chế tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là người DTTS và phải có 01 biên chế làm công tác dân tộc ở cấp xã; Đối với cán bộ quản lý cấp tỉnh tối thiểu là 20% (dự thảo là 10%), cấp huyện tối thiểu la 40%, cấp xã tối thiểu là 50%....

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề xuất, người DTTS học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp phải được tạo điều kiện tuyển dụng vào vị trí phù hợp với ngành nghề, trình độ đào tạo mà không phải qua kỳ thi tuyển công chức; miễn thi môn ngoại ngữ khi thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức… Nhìn chung, tình hình thực hiện chính sách cán bộ dân tộc còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực là người DTTS như phân bố dân số, cơ cấu nguồn lực, trình độ học vấn của nguồn nhân lực DTTS vẫn còn thấp….

Tổng kết Hội thảo, đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, nghiên cứu bổ sung hoàn thiện và tiếp tục xin ý kiến các cấp, các ngành liên quan bằng văn bản; trình Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo trước khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ban hành trong năm 2014.

 

Y Der Ayun

Nguồn cema.gov.vn

[TT: TBC]