Họp Hội đồng thẩm định Chương trình khoa học trọng điểm cấp Quốc gia về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc

09:50 AM 01/12/2014 |   Lượt xem: 1053 |   In bài viết | 

Tham dự có các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các chuyên gia từ các Bộ, ngành; Lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT; Lãnh đạo và cán bộ, viên chức Viện Dân tộc UBDT.

Thay mặt Hội đồng thẩm định, PGS.TS Ngô Quang Sơn, Viện trưởng Viện Dân tộc UBDT đã thông qua Dự thảo lần 5, thuyết minh Chương trình Khoa học trọng điểm cấp Quốc gia về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc. Nội dung Dự thảo Chương trình cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, các chương trình khoa học và công nghệ, các chương trình khoa học xã hội nhân văn trọng điểm đã và đang thực hiện chỉ giải quyết theo từng lĩnh vực, từng vùng, chưa bao quát và giải quyết tổng thể vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc, vì vậy việc xây dựng và triển khai một Chương trình trọng điểm cấp Quốc gia về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc là hết sức quan trọng và cấp thiết.

Chương trình hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng DTTS; đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng. Chương trình cũng đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn (giai đoạn I từ 2015 – 2017; giai đoạn II từ 2018 – 2020).

Góp ý cho Dự thảo Chương trình, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến góp ý và những đề xuất về: Thể thức và cấu trúc bản dự thảo thuyết minh; cần làm rõ hơn mục tiêu của chương trình này sẽ giải quyết những gì về vấn đề dân tộc? giải quyết những gì về chính sách dân tộc? cách tiếp cận cần xác định đặt ở góc độ nào? và cần đặt ra những mục tiêu cụ thể hơn, mang tính chất dài hơi để có thể giải quyết được vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc một cách toàn diện; cần bổ sung thêm các căn cứ pháp lý để xây dựng Chương trình; bổ sung xây dựng hệ thống chính sách thông tin và truyền thông dành cho vùng DTTS; cần có sự kế thừa có chọn lọc những kết quả đạt được từ các chương trình Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; cần tập hợp các nhà khoa học trên các lĩnh vực khác nhau để xây dựng, thiết kế Chương trình…

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng đánh giá cao những ý kiến hết sức tâm huyết của các nhà khoa học. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị Viện Dân tộc phối hợp với Vụ Tổng hợp và các Vụ, đơn vị liên quan tiếp thu những ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia để chỉnh sửa, hoàn thiện Chương trình; phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ trong quá trình xây dựng Chương trình.

Sơn Nam