Đề xuất giải pháp hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc

12:42 PM 29/11/2022 |   Lượt xem: 2014 |   In bài viết | 

TS. Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) của UBDT đã chủ trì buổi nghiệm thu đề tài

Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài là: Đánh giá thực trạng, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, mối quan hệ công tác dân tộc và tôn giáo, dự báo xu thế những vấn đề đặt ra ở vùng dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc của đảng, nhà nước trong thời gian tới, đề xuất giải pháp hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2026.

Tại phiên họp của Hội đồng, ông Phạm Thúc Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, UBDT đã thay mặt nhóm nghiên cứu, trình bầy tóm tắt quá trình triển khai thực hiện và một số kết quả nghiên cứu của Đề tài. Theo đó, Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài được trình bày gồm 05 nội dung chính:  Cơ sở lý luận về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc; Thực trạng thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc; Thực trạng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo; Bối cảnh tình hình và mối quan hệ quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tôn giáo; Giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2026.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, tổng kết thực tiễn để nêu ra một số kiến nghị về nội dung, phương thức trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc và đề xuất mô hình cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong thời gian tới. Về các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc thời gian tới, đề tài đã nêu ra được các quan điểm đổi mới tư duy trong công tác dân tộc và quản lý nhà nước về công tác dân tộc và trên cơ sở những phân tích tính chất quyền lực của quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đề tài đã đề xuất mô hình quản lý nhà nước về công tác dân tộc mới ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2026, và giai đoạn tiếp theo là mô hình quản lý theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động...

Ông Phạm Thúc Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, UBDT thay mặt nhóm nghiên cứu, trình bầy tóm tắt quá trình triển khai thực hiện và một số kết quả nghiên cứu của Đề tài

Góp ý cho Đề tài, các thành viên Hội đồng cơ bản đánh giá nhóm nghiên cứu đã triển khai một cách công phu, nghiêm túc, bám sát các nội dung nghiên cứu được phê duyệt, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và thực tiễn. Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn về vai trò của tổ chức bộ máy cơ quan công tác dân tộc ở một số nước để nghiên cứu áp dụng cho mô hình của Việt Nam; nghiên cứu đề xuất tiêu chí thành lập bộ máy ở địa phương gắn với địa bàn thực tế; đánh giá sâu hơn về đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc hiện nay... để từ đó phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tránh chồng chéo trên tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Kết quả Hội đồng đánh giá Đề tài được nghiệm thu ở mức “Đạt” trên cơ sở tiếp thu, hoàn thiện ý kiến góp ý, thảo luận của các thành viên Hội đồng.