UBDT nghiệm thu đề tài cấp quốc gia: Những vấn đề cơ bản và cấp bách trong cộng đồng dân tộc Hoa ở Việt Nam hiện nay

07:14 PM 25/01/2021 |   Lượt xem: 443 |   In bài viết | 

PGS. TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Hội đồng

Đề tài “Những vấn đề cơ bản và cấp bách trong cộng đồng dân tộc Hoa ở Việt Nam hiện nay” do PGS. TS. Nguyễn Thị Huyền Sâm là Chủ nhiệm Đề tài; Đại học Sư phạm Hà Nội là đơn vị chủ trì triển khai nhiệm vụ. Trên cơ sở làm rõ lý luận, thực tiễn và khung lý thuyết nghiên cứu cộng đồng dân tộc Hoa và vấn đề cơ bản, cấp bách trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS); đánh giá kết quả, hiệu quả, tác động của các chính sách phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trong đồng bào dân tộc Hoa ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay; xác định những vấn đề cơ bản, cấp bách trong cộng đồng dân tộc Hoa ở Việt Nam hiện nay và dự báo xu hướng vận động những vấn đề này trong thời gian tới. Từ đó, Đề tài đề xuất quan điểm, giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm phát triển KT-XH đồng bào dân tộc Hoa ở Việt Nam đến năm 2030 và chủ động ứng phó với những thách thức đặt ra.

Triển khai công tác nghiên cứu, Đề tài đã nhận diện những vấn đề cơ bản trong phát triển KT-XH cộng đồng dân tộc Hoa ở Việt Nam hiện nay là: ý thức dân tộc/tộc người và ý thức quốc gia; hội nhập và bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc; quan hệ dân tộc; và một số vấn đề cấp bách đặt ra như: sự tham chính của người Hoa; quan hệ giữa người Hoa ở Việt Nam với người Hoa trên thế giới và với Trung Quốc, Đài Loan; phát triển và quản lý bang hội người Hoa; gia tăng số lượng lao động người Trung Quốc ở Việt Nam.

Trên cơ sở nhận diện xu hướng vận động của các vấn đề cơ bản và cấp bách, Đề tài đưa ra quan điểm về chính sách phát triển KT-XH đồng bào dân tộc Hoa, với mục tiêu tạo ra sự ổn định, phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát huy tiềm năng, sức mạnh, sự đóng góp của cộng đồng dân tộc Hoa với sự phát triển của đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, ổn định, vì lợi ích chung; bảo vệ lãnh thổ và giữ gìn độc lập dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hòa và hội nhập quốc tế.

PGS. TS. Nguyễn Thị Huyền Sâm - Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu

Từ đó, Đề tài đề xuất một số nhóm giải pháp như: Đổi mới nhận thức về cộng đồng người Hoa và chính sách đối với cộng đồng người Hoa; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động đồng bào người Hoa phù hợp với yêu cầu của bối cảnh xã hội mới; phát huy sức mạnh và tiềm năng kinh tế của người Hoa để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Hoa trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động của các hội đoàn người Hoa; tích cực xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị trong người Hoa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại.

Đánh giá Ban Chủ nhiệm Đề tài đã triển khai nghiêm túc, cơ bản hoàn thành các mục tiêu của nhiệm vụ nghiên cứu và Đề tài có đóng góp về mặt lý luận, trong công tác hoàn thiện chính sách có liên quan. Các thành viên Hội đồng đề nghị: cần sắp xếp lại bố cục hợp lý hơn; tăng cường phân tích, rà soát, cập nhật thêm một số dữ liệu điều tra mới; phân tích và chỉ ra rõ hơn những vấn đề cơ bản, cấp bách, có liên quan đến đại đoàn kết, phát triển bền vững các DTTS, trong đó có dân tộc Hoa; bổ sung một số đánh giá, kiến nghị cho phù hợp với thực tiễn để tăng cường phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc Hoa trong phát triển KT-XH.

Kết thúc phiên họp, Hội đồng đánh giá Đề tài được nghiệm thu ở mức “Đạt” và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện Đề tài theo quy định.