UBDT nghiệm thu đề tài cấp quốc gia: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về dư luận xã hội ở vùng DTTS nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
08:06 PM 22/01/2021 | Lượt xem: 1652 In bài viết |Vừa qua, tại Trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2016-2020 (CTDT/16-20) tổ chức nghiệm thu đề tài cấp quốc gia: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về dư luận xã hội (DLXH) ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa. PGS. TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là Chủ tịch Hội đồng. Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng; đại diện cơ quan quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ban Chủ nhiệm đề tài và một số nhà khoa học.
Đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về dư luận xã hội ở vùng DTTS nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa”, mã số CTDT.37.18/16-20, do TS. Phan Tân là Chủ nhiệm đề tài; Học viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam) là cơ quan chủ trì thực hiện.
Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài là làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về DLXH, thực trạng nghiên cứu DLXH ở vùng DTTS từ giai đoạn đổi mới đến nay. Từ đó, nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách trong nghiên cứu DLXH ở vùng DTTS để đề xuất quan điểm, phương pháp và giải pháp cơ bản nhằm tăng cường công tác thăm dò, nắm bắt, xử lý, định hướng DLXH ở vùng DTTS nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Định hướng DLXH là công tác quan trọng, hướng đến một tâm trạng xã hội tốt trước nguy cơ của những dư luận tiêu cực. Không phải chỉ khi DLXH từ các vấn đề xã hội xảy ra thì chính quyền mới can thiệp, định hướng dư luận của người dân, mà cần có những chiến lược, chính sách phát triển hợp lý để tránh các vấn đề vốn được dự đoán sẽ xuất hiện. Định hướng DLXH vùng DTTS vì sự ổn định và phát triển cần: hiểu rõ các đặc điểm kinh tế-xã hội (KT-XH), điều kiện tự nhiên, đặc trưng văn hóa vùng đồng bào DTTS; tạo môi trường thông tin rộng rãi, kịp thời, chân thực, gắn trách nhiệm; tạo môi trường dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân bàn” thực sự và xác định tiếp cận tham vấn cộng đồng là một trong những phương pháp nghiên cứu phát triển có sự tham gia của người dân.
TS. Phan Tân - Chủ nhiệm đề tài trình bầy tóm tắt kết quả nghiên cứu
Về công tác tuyên truyền chính sách pháp luật, định hướng DLXH, Đề tài kiến nghị cần lựa chọn phương tiện, tuyên truyền đúng đối tượng, đúng nội dung với các hình thức tuyên truyền hiệu quả như qua đài truyền hình, đài truyền thanh, các buổi họp thôn bản, Internet (trang web và mạng xã hội); với nội dung phù hợp, bằng ngôn ngữ của các DTTS.
Đánh giá Ban Chủ nhiệm Đề tài đã thực hiện nghiêm túc, công phu, khách quan, khoa học. Góp ý cho các báo cáo của Đề tài, một số thành viên Hội đồng đề nghị: cấu trúc lại một số nội dung cho gọn hơn; giới hạn nội dung nghiên cứu cho phù hợp, gắn chặt vào bối cảnh toàn cầu hóa; tăng cường sự so sánh với dữ liệu điều tra khác để làm nổi rõ đặc trưng cơ bản của DLXH vùng DTTS; xác định DLXH là một yếu tố đầu vào của xây dựng và hoạch định chính sách, cần làm rõ cơ chế và nâng cao hiệu quả của DLXH để phù hợp với đặc thù của vùng DTTS; mạnh dạn hơn trong đề xuất các kiến nghị với những nội dung xác đáng, có tính khả thi...
Kết thúc phiên họp, Hội đồng đánh giá Đề tài được nghiệm thu ở mức “Đạt” và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện sản phẩm của Đề tài.
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số lượt truy cập hiện tại: 1253
Tổng số truy cập: 4809700