Đột phá nông nghiệp công nghệ cao ở Điện Biên

12:00 AM 08/10/2020 |   Lượt xem: 441 |   In bài viết | 

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới đang phát triển tại Điện Biên.

Những “nông dân kiểu mới”

Sau nhiều năm cần mẫn làm nhiều công việc của người nông dân “chân lấm tay bùn” nhưng không đem lại thành công như mong đợi, anh Nguyễn Đức Lợi ở Mường Ảng (Điện Biên) lao vào đọc sách, tìm tài liệu nghiên cứu, rồi lặng lẽ vào Nam ra Bắc, sang Thái Lan để tìm hiểu về quy trình, công nghệ nuôi tảo hệ kín.

Trở về quê hương, anh vay mượn gần 1 tỷ đồng xây dựng khu nuôi trồng, nhà thí nghiệm, kho vô trùng cùng hàng tá các thiết bị máy móc chuyên dụng khác để làm mô hình nuôi tảo xoắn và thành lập Trung tâm Nghiên cứu- Nuôi trồng tảo xoắn Spirulina mang tên Ðức Lợi. Sản phẩm sau đó đã được kiểm nghiệm, chứng nhận đảm bảo chất lượng của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Đến nay, bình quân 1 tháng, trang trại của anh Lợi cung cấp ra thị trường khoảng 200kg tảo tươi thông qua hệ thống đại lý phân phối ở TP. Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành khác và xuất khẩu sang một số nước: Ðức, Singapo, Thái Lan.

Cũng xuất thân là nông dân nhưng khi được truyền lửa đam mê làm nông nghiệp công nghệ bằng kỹ thuật nhân giống, nuôi cấy mô tế bào trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp anh Nguyễn Hữu Nhẹ trở thành Giám đốc Công ty chuyên nuôi cấy, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo duy nhất tại tỉnh Điện Biên. Toàn bộ sản phẩm của Công ty anh Nhẹ được kiểm nghiệm bởi cơ quan chuyên môn, trong đó giá trị chất dinh dưỡng trong nấm luôn đạt hàm lượng cao. Sản phẩm được ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong và ngoài tỉnh, doanh thu mỗi năm đạt không dưới 4 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại Điện Biên còn xuất hiện các mô hình sản xuất rau xanh ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, quy mô lớn như: Doanh nghiệp Tư nhân Hoa Ba trồng rau thủy canh bằng hệ thống hồi lưu; công nghệ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty CPTMXNK Ðiện Biên; mô hình nuôi cá hồi, cá tầm tại huyện Tuần Giáo…

“Đòn bẩy” chính sách để tiến xa

Đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, năng suất cao, thân thiện với môi trường; không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu giúp nông dân chủ động kế hoạch, cũng như khắc phục tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp cho lợi nhuận cao hơn. Đồng thời, đã tác động tích cực đến việc thu hút, hình thành và tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân.

Đồng hành với mục tiêu làm nông nghiệp công nghệ cao là chính sách của địa phương giúp nâng cao chất lượng, năng suất hàng hóa. Trong đó, chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, khuyến khích phát triển hợp tác về liên kết tiêu thụ nông sản giữa “4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà sản xuất) trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã thúc đẩy hiệu quả quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, Kế hoạch số 2982/KH-UBND về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020 của tỉnh Điện Biên đã định hướng tiếp cận, cơ cấu lại ngành, lĩnh vực theo vùng trọng điểm gắn với sản phẩm lợi thế và liên kết vùng; đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến.

Theo nhận định của ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, lần đầu tiên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra những thay đổi cơ bản, diện mạo kinh tế nông thôn khởi sắc và chuyển dịch đúng hướng theo chủ trương của tỉnh. Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tiếp cận đất đai, khoa học kỹ thuật phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả.

(baodantoc.vn)