Hơn 7 năm trước, chị Bàn Mùi Khe đã mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất trồng bắp, mì (sắn) của gia đình sang cây cà phê, chị cũng là người tiên phong đưa loại cây này vào trồng ở thôn Đại Thành. Nhờ biết đưa giống mới vào trồng, kết hợp với chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hợp lý nên vườn cây của gia đình phát triển xanh tốt, cho năng suất và sản lượng đạt khá cao (đạt bình quân từ 2,5 - 3 tấn cà phê/ha).
Là người năng động, chị Khe đã tìm hiểu và đưa thêm cây điều, hồ tiêu, bơ vào trồng xen trong vườn cà phê. Cách làm này không chỉ có tác dụng che nắng, chắn gió, giữ ẩm cho cây trồng chính mà còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Tổng thu nhập của gia đình chị hiện đạt trên dưới 100 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng hoa màu trước đây. Kinh tế phát triển, chị có điều kiện nuôi dạy con cái học hành, xây dựng được nhà cửa kiên cố…
Còn chị Nông Thị Thu ở buôn Cuôr hơn 10 năm nay đã lựa chọn phát triển mô hình nuôi gà (giống địa phương của người Mông) với quy mô 1ha, chia làm 3 khu nuôi và được nuôi theo hình thức bán chăn thả… Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chế độ ăn dinh dưỡng và có biện pháp phòng bệnh ở từng độ tuổi nên đàn gà của gia đình đã hạn chế được dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 4,5 - 5 tháng nuôi đã có thể xuất bán ra thị trường, trọng lượng đạt bình quân từ 1,2 - 1,6 kg/con, với giá bán đạt 110.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giống gà ta...
Đưa chúng tôi đi thăm trang trại của gia đình, chị Thu chia sẻ: “Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình xuất bán ra thị trường trên 20.000 con gà các loại. Sau khi trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, mỗi con gà vẫn lãi được 20.000 đồng. Với số lượng gà như hiện nay, mỗi năm cũng mang lại cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương…”.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều hộ dân ở xã Ea M’droh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thành công và mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho gia đình. Những năm qua, xã Ea M’droh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT), đưa các cây, con giống mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; Đồng thời, thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ bà con về cây giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách và các chương trình mục tiêu quốc gia; tạo điều kiện để các hộ dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng... Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã thay đổi cách thức làm ăn, từ trồng cây ngắn ngày thu nhập thấp sang trồng cây công nghiệp như: Cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả...; xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng KHKT để phát triển sản xuất…
Ông Trần Viết Lai, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Ea M’droh cho biết: Hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 45 triệu đồng/ha/năm (tăng 10 triệu đồng so với trước đây). Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng không chỉ tạo động lực cho nông nghiệp ở xã Ea M’droh phát triển mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tính đến nay, toàn xã chỉ còn 132 hộ nghèo, (chiếm tỷ lệ 7,3%), thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 2 lần so với năm 2015)...
(baodantoc.vn)
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số lượt truy cập hiện tại: 1253
Tổng số truy cập: 4809700