Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

12:00 AM 06/11/2020 |   Lượt xem: 308 |   In bài viết | 

Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng bưởi da xanh, nhiều nông dân Khánh Vĩnh có thu nhập cao

Mô hình bưởi VietGAP trong trồng bưởi da xanh là một trong những ứng dụng công nghệ sinh học được triển khai hiệu quả trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. Nhiều hộ trồng bưởi da xanh tại đây thay vì trồng bưởi theo kiểu truyền thống, họ đã chuyển sang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, để nâng cao chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm.

 Ông Nguyễn Xuân Long, người đang trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP cho biết: Việc áp dụng quy trình VietGAP đòi hỏi các khâu rất khắt khe và tốn công sức từ khi trồng đến giai đoạn thu hoạch nhưng bù lại, năng suất và giá cả cao hơn.

Gần đây, bưởi da xanh được tỉnh Khánh Hòa đưa vào danh sách một trong 5 cây chủ lực kinh tế của tỉnh để hỗ trợ các chính sách đầu tư vào các khâu thủy lợi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tìm kiếm phát triển thị trường, đổi mới tổ chức sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực… hướng đến mục tiêu đưa huyện miền núi Khánh Vĩnh trở thành “thủ phủ” bưởi da xanh của tỉnh.

Nhờ đó, toàn huyện Khánh Vĩnh hiện có khoảng 552ha bưởi da xanh. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 200 ha, năng suất bình quân 7 tấn/ha/năm. Các hộ tham gia trồng bưởi da xanh theo quy trình VietGAP được hỗ trợ 100% giống, 50% vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều hộ trồng bưởi da xanh có thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm. 

Đơn cử như ông Lê Văn Chừng ở xã Khánh Trung, trồng hơn 1ha bưởi cho hay: So với trồng lúa thì cây bưởi da xanh cho hiệu quả gấp 4 - 5 lần. Một cây bưởi được chăm sóc tốt, khi thu hoạch bán quả có thể mang về cho người trồng 3 - 4 triệu đồng trong một năm. Do bưởi chất lượng cao nên người trồng không phải lo đầu ra mà đã có người vào tận vườn thu mua.

Còn theo ông Đặng Thái Luyện, người trồng hơn 6ha bưởi da xanh tại xã Khánh Phú, nhờ có chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, ông không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Những cây bưởi được chăm bằng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu cũng dùng các chế phẩm sinh học, khi ra trái được bọc lại để hạn chế sâu bệnh xâm hại quả.

“Việc trồng bưởi theo mô hình VietGAP tuy có tốn nhiều công, chi phí đầu tư cao nhưng thành phẩm đầu ra tiêu thụ dễ hơn nhiều và giá thành cũng cao hơn bưởi được chăm sóc theo mô hình truyền thống”, ông Luyện chia sẻ.

Đánh giá về những thành quả trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trên địa bàn huyện, bà Ca Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: Khoa học công nghệ đã đóng góp lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, rõ nét nhất là nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. 

“Đề nghị các cấp, ngành quan tâm hơn nữa trong chuyển giao những ứng dụng khoa học công nghệ cho địa phương; có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ. Từ đó, góp phần nâng cao tính ứng dụng, để công nghệ sinh học ngày càng đi vào đời sống sản xuất của người dân”, bà Mến nói.

(baodantoc.vn)