Xây dựng mẫu phiếu điều tra mô hình đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số

08:44 PM 11/11/2015 |   Lượt xem: 10241 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đồng chí Ngô Quang Sơn, Viện trưởng Viện Dân tộc, Chủ nhiệm Đề tài đã giới thiệu bộ mẫu phiếu “Nghiên cứu mô hình đào tạo nghề cho phụ nữ DTTS ở các xã đặc biệt khó khăn ở khu vực Tây Nam Bộ” gồm 6 mẫu phiếu điều tra: Phiếu hỏi thanh niên nữ, phụ nữ DTTS ở độ tuổi lao động tại các địa phương; phiếu hỏi học sinh nữ DTTS; phiếu hỏi giáo viên; phiếu hỏi Ban Giám hiệu của các trường; phiếu hỏi cán bộ các sở, ban, nghành cấp tỉnh, huyện; phiếu hỏi cán bộ xã. Các mẫu phiếu hỏi được tiến hành điều tra ở 3 tỉnh Tây Nam Bộ: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung của mẫu phiếu điều tra. Tuy nhiên, để mẫu phiếu được hoàn thiện hơn, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý như: cần nêu được những mục tiêu của mô hình, sự khác biệt với các mô hình đang tồn tại hiện nay; mô hình cần phải gắn với thực tế tại địa phương để đáp ứng được nhu cầu việc làm tại nơi đây; cần có sự căn cứ vào đặc điểm văn hóa, vùng miền của các dân tộc; tích hợp các câu hỏi về thực trạng đội ngũ cán bộ đào tạo, cơ sở vật chất để đưa ra các mô hình phù hợp; nên tập trung đào tạo nghề có thể lập nghiệp tại địa phương; cần có sự đối chiếu, so sánh với nam giới cùng độ tuổi để có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu tại địa phương; mô hình cần đáp ứng được nhu cầu của số đông phụ nữ tại khu vực đó...

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá cao các ý kiến đóng góp đa chiều của các đại biểu. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài cần bám sát mục tiêu, nội dung của Đề tài; phải có sự tổng quan trước khi điều tra để tránh sự trùng lặp, tập trung vào các khoảng trống để tiến hành điều tra; cần chú ý đến yếu tố vùng miền, tín ngưỡng, văn hóa tại địa phương; cần chú ý hơn vấn đề về giới; các nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu của người dân; chú ý đến nhu cầu của người sử dụng lao động...Thứ trưởng yêu cầu Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để điều chỉnh, hoàn thiện các mẫu điều tra.

Tiến Đạt